Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Đức Phật và chuyện... Marketing

Đức Phật dạy ta làm marketing
Đức Phật thì có liên quan gì đến chuyện marketing?

Nếu bạn đồng ý rằng marketing – nói cho vắn gọn – là lĩnh vực xoay quanh chuyện gieo truyền ý tưởng, thì có thể nói được rằng Đức Phật là người làm marketing/tiếp thị vĩ đại nhất mọi thời.

Tất nhiên, chuyện marketing của ngài không nhắm đến lợi nhuận trần tục. Ngài chỉ tìm cách để rao giảng chân lý giải thoát, hay giác ngộ, cho chúng sinh mà thôi.
Nhưng cách thế rao giảng của ngài có thể giúp ta rút ra được vài điều về việc làm marketing trong thời đại ngày nay.

Vấn đề marketing của Đức Phật
Một trong các vấn đề đầu tiên xảy đến với Đức Phật sau khi ngài giác ngộ là gì?
Là vấn đề marketing!

Ngồi dưới cội bồ đề, ngẫm lại kinh nghiệm Niết bàn vừa đắc thủ, ngài tự nhủ với mình:
Cái này không dạy được.”

Đức Phật hiểu ra rằng Niết bàn là thứ kinh nghiệm rất đỗi cao sâu, khá khó lòng nắm bắt, không thể chỉ nói trong dăm ba lời mà làm cho người ta ngộ ra được. Vả lại, chúng sinh không phải ai cũng có mức độ hiểu biết giống nhau, rồi trí tuệ và hoàn cảnh cũng khác nhau nữa, nên ngài đi đến kết luận cho rằng sẽ là vô ích việc bỏ công truyền dạy tất thảy chúng sinh về kinh nghiệm Niết bàn kia.

Đừng cố chạm tay đến thảy mọi người
Lúc Đức Phật nghĩ rằng chuyện cố sức cắt nghĩa chân lý Niết bàn cho hết thảy chúng sinh là điều vô ích, thì thần Brahma hiện ra với ngài, khích lệ ngài, bảo rằng tất nhiên không thể làm cho hết cả chúng sinh hiểu ra kinh nghiệm ấy, nhưng có thể làm điều này cho một ít người “mắt trần chỉ vương ít bụi.”

Thế rồi, Đức Phật lên đường tìm kiếm số ít những người biết tích cực khát khao kiếm tìm chân lý, tức là những người có thể lĩnh hội chân lý, hiểu ra sứ điệp giải thoát ngài muốn rao truyền.

Khi làm marketing, ai cũng muốn tay mình dài ra, chạm đến tất cả mọi người, mọi thị trường. Nhưng đó là cái sai lầm kinh điển trong marketing. Muốn chiến dịch marketing của mình hiệu quả, bạn phải xác định từng đối tượng cụ thể mình muốn nhắm đến. Đừng nhọc công tìm cách làm cho mọi người phải hiểu ra và công nhận giá trị của những sản phẩm hay dịch vụ bạn làm ra.

Bởi vì, có thể có rất nhiều người cần thứ bạn đang rao, nhưng họ sẽ không chấp nhận lời rao của bạn nếu họ không muốn nó.

Nếu biết theo gương Đức Phật, tập trung vào những người thực sự mong muốn điều bạn đang đề nghị (không chỉ những người đang cần nó), tất nhiên bạn sẽ có ít đối tượng khách hàng hơn – nhưng cơ hội bạn nhận được thái độ và hành động tích cực hưởng ứng của các đối tượng khách hàng nhỏ bé ấy sẽ lớn lao hơn nhiều.

Nói ra sự thật không thôi thì chưa đủ
Những bước nỗ lực rao giảng đầu tiên của Đức Phật thường được đánh giá là thất bại.

Từ rừng sâu trở lại thị thành, ngài gặp một ông khổ tu đang lang thang đây đó. Ông này hỏi ngài về kinh nghiệm ngài mới khám phá ra. Ngài đáp: “Ta là người giác ngộ hoàn toàn, là Phật!’
Ông kia gãi đầu. “Chắc có lẽ là vậy,” ổng nghĩ bụng.

Đức Phật đang nói ra cho ông khổ tu kia biết về kinh nghiệm giác ngộ. Ngài nói thẳng ra chân lý giác ngộ ấy cách đơn sơ, không tô vẽ. Câu đáp của ngài không phải là câu khoe khoang, bởi ngài đã giác ngộ, tức là không còn bị cái Ngã của mình thao túng nữa. Ngài chỉ lên tiếng nói sự thật về mình thôi. Và giáo huấn ấy, ngài nói ra miễn phí cho ông khổ tu kia.

Nhưng ông khổ tu kia chẳng thấy có gì khác lạ, đáng phải lưu ý, đáng thuyết phục cả.

Nếu sống trong một thế giới lý tưởng, bạn sẽ không cần phải rao bán thứ gì. Bạn chỉ cần nói ra sự thật, hoặc chỉ cần nói vài lời mô tả sơ sài về sản phẩm hay dịch vụ của mình, người ta sẽ lập tức thấy ra và hiểu được giá trị của nó, rồi chấp nhận ngay lời rao hàng của bạn. Tiếc là ta không sống trong cái thế giới lý tưởng ấy. Cả đối với Đức Phật cũng vậy, đây không phải là thế giới lý tưởng kiểu đó.

Và cho dẫu bạn có đang đưa ra lời đề nghị miễn phí đi nữa – thí dụ, bảo rằng người ta được phép miễn phí đăng ký nhận bản tin của doanh nghiệp bạn, được phép dùng thử sản phẩm phần mềm, hoặc thậm chí được tư vấn miễn phí – bạn cũng vẫn cần phải rao bán nó.
Cho nên, nói ra sự thật về sản phẩm hay dịch vụ không thôi thì chưa đủ, bạn cần phải rao, phải tìm cách thuyết phục để người ta thực sự tin vào giá trị của những gì bạn nói.

Các  “gói giáo huấn của Đức Phật  –  hay, việc đóng gói sẽ tạo ra điều khác lạ 
Thất bại với ông khổ tu kia, về sau Đức Phật đã thử các cách làm khác. Từ nay, không còn nói chân lý hay sự thật cách chung chung, ngài sẽ chia chân lý cần nói thành các “gói giáo huấn” nhỏ. Điều này làm cho người ta dễ lĩnh hội và ngộ thấy ra được giá trị của chân lý ngài rao truyền.

Đức Phật gặp 5 người bạn ở Varanasi. Họ hỏi ngài về chuyện ngài giác ngộ. Lúc này, ngài không trả lời như kiểu trả lời dành cho ông khổ tu lúc trước. Ngài trình bày cho 5 người này về Tứ Thánh Đế – các nguyên tắc lõi giải thích bản chất khổ đau và con đường vượt qua nó.

Lúc này thì ngài thành công hơn nhiều – chuyện kể rằng năm bạn đó đều giác ngộ, và trở thành các tu sĩ Phật giáo tiên khởi. Cả đến ngày nay, Tứ Thánh Đế vẫn nguyên là nền tảng của giáo huấn Phật giáo.

Bằng cách chia nhỏ giáo huấn về chân lý của mình ra thành bốn bước căn bản, Đức Phật làm cho người nghe ngài thấy dễ hiểu, dễ nhớ và dễ chia sẻ lại với những người khác hơn.

Rồi từ đó, ngài chia giáo huấn của mình thành từng “gói” nhỏ, mỗi “gói” là những giải thích minh họa cụ thể các ý niệm phức tạp của chân lý. Ngài đánh số đếm cho từng “gói” giáo huấn của ngài, chẳng hạn Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Tam Bảo, Ngũ Uẩn, v.v.

Nếu bạn cung cấp một dịch vụ phức tạp hay sản phẩm tinh vi, bạn sẽ nhận được kết quả tốt hơn nhờ việc chia nhỏ nó ra thành các “gói,” tức là các yếu tố hay tiện ích đơn giản khi nói chuyện với khách hàng. Chẳng hạn, bạn có thể lọc ra ba hay bốn lợi ích cốt lõi của một sản phẩm, hoặc trình bày một chương trình huấn luyện của mình qua hai hay ba giai đoạn khác nhau.

Bạn có thể giải thích chi tiết sau, nhưng hãy đóng gói lời đề nghị của bạn, và việc làm này giúp người ta dễ dàng nắm bắt hơn, dễ dàng hiểu ra hơn giá trị của những gì bạn đề nghị.

Còn bạn thì sao?
Bạn đang làm marketing? Những gì Đức Phật đã thực hành liên quan đến chuyện marketing có giúp bạn rút ra bài học nào không?

Bạn có bao giờ gặp phải một vấn đề marketing tương tự như của Đức Phật? Bạn đã giải quyết nó thế nào? Mời bạn chia sẻ các kinh nghiệm hay của bạn trong phần bình luận.


Tác giảMCC 
(Đăng bài này ở nơi khác, xin bạn vui lòng ghi rõ nguồn)

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

BẠN CÓ THỂ NHẬN XÉT BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét