Soạn nội dung Brochure - Tờ quảng cáo doanh nghiệp

Hãy gọi ngay cho MCC. MCC sẽ biến Brochure/Profile của doanh nghiệp bạn thành công cụ hữu hiệu giúp bạn thu được mẻ lưới lớn cho các thương vụ của mình.

Viết bài PR - Bài doanh nghiệp tự giới thiệu, quảng bá

Để bán hàng cho bạn, chúng tôi RAO.
Nhưng người ta KHÔNG BIẾT ĐÓ LÀ RAO HÀNG.
Bởi chúng tôi có CÁCH RAO KHÁC LẠ.

Dịch vụ Chấp bút - Viết sách - Ebook - Hồi ký - Tự thuật

Bạn sẽ cho ra đời những cuốn sách hay, những bài viết tốt. Bạn sẽ tạo ra được một phong cách nổi bật, độc đáo và khác lạ của riêng mình.

Soạn bản tin điện tử Doanh nghiệp

Qua các bản tin định kỳ của doanh nghiệp bạn, chúng tôi chủ trương nói về những điều khách hàng bạn muốn nghe, về lợi ích/ giải pháp/ giá trị thiết thực cho cuộc sống và công việc kinh doanh của họ.

Soạn Thông cáo Báo chí

Làm sao để doanh nghiệp của bạn trở nên nổi trội, thu hút được mọi ánh nhìn háo hức dồn về? MCC đang chờ để cắm trồng cây lúa doanh nghiệp bạn nổi bật giữa cánh đồng truyền thông!

Soạn Thư Chào hàng - Thư Bán hàng

Bạn biết phải làm gì để sản phẩm hay dịch vụ của bạn trở nên độc đáo. MCC biết phải làm gì để khách hàng nhận ra một cách thích thú những ích lợi độc đáo bạn mang đến cho họ.

Soạn Bài phát biểu - Diễn văn

Bạn sẽ lôi kéo được sự chú ý của người nghe. Bạn sẽ tạo được sức hút bản thân, lấy được lòng tin, chạm vào cảm xúc, khơi gợi suy nghĩ, thúc giục hành động… nơi khán giả của mình.

Soạn Nội dung Website

Bạn sẽ có được nhiều khách viếng, nhận được nhiều cú nhấp chuột và nhiều cuộc gọi. Website của bạn sẽ bắt đầu làm việc cật lực cho công cuộc kinh doanh của bạn.

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Tìm ý tưởng để viết? Hãy “lôi” tiềm thức Bạn ra



Một trong những thứ “quái ác” nhất đối với dân viết lách nói chung và cách riêng đối với dân copywriting (viết lời quảng cáo) chính là việc một lúc nào đó (và những cái “một lúc nào đó” xuất hiện rất nhiều), họ cảm thấy mình không biết viết cái gì.

Đó là tình trạng cạn khô ý tưởng, là tình trạng đầu óc bỗng chốc hóa mụ mị, không “rặn” ra được bất kỳ điều gì hay ho để viết. Khi đó, đầu óc Bạn làm như bị đông đặc lại, khiến cho Bạn không cảm thấy hứng thú muốn viết điều gì vì có biết điều gì đâu mà viết.

Không sao. Đó là chuyện thường tình xảy ra đối với cả những ai đam mê viết lách và có nhiều ý tưởng viết lách. Và dưới đây là một kinh nghiệm nhỏ Bạn nên thử cho biết, để xử lý tình trạng đó mỗi khi gặp phải.

Nhưng trước hết, Bạn phải biết điều này: Mọi tiến trình sáng tạo ý tưởng đều xuất phát từ tiềm thức của Bạn. Đó là nhiệm vụ của tiềm thức, không phải của ý thức. Ý thức chỉ làm nhiệm vụ thu nhận thông tin. Còn chuyện xử lý, ráp nối thông tin để cho ra những ý tưởng hay: đó là việc của tiềm thức.

Thành ra, khi bị bế tắc ý tưởng, Bạn phải tìm cách nào đó để “lôi” tiềm thức mình ra. Và mọi chuyện sẽ êm xuôi. Không còn cách nào khác.


“Lôi” tiềm thức bằng cách nào?

Mỗi lúc ngồi viết mà không biết viết gì, cách tốt nhất là Bạn cứ... viết. Viết mọi thứ xuất hiện trong đầu Bạn ngay lúc ấy. Viết không cần suy nghĩ, ý thức gì cả. Viết tầm bậy, viết tào lao, viết gì cũng được, viết không cần câu cú, ngữ pháp, từ ngữ, miễn sao đó là những điều đang bật ra trong đầu Bạn khi ấy.

Chẳng hạn, tôi phải viết về cái độc nơi iPhone 6, nhưng tôi bế tắc ý tưởng, tôi cũng chẳng hiểu cái câu “Bigger than Bigger” của nó là gì, chán quá, nhưng tôi ngồi viết một lèo thế này:

Giờ viết về Iphone 6 mà không biết viết cái quái gì. Chán quá, Iphone 6 có gì hay mà phải có cho được. Mấy đứa lắm tiền. Cầm tiền đi du lịch sướng hơn. Nản quá, đầu óc gì cứng ngắc, thôi bỏ luôn cái chuyện viết lách này kia cho rồi. Iphone 6 nó làm được gì cho người ta chứ, chỉ có to hơn thôi chứ làm quái gì có cái gì hay hơn Samsung hay mấy thằng smartfone khác. Iphone 6 to hơn cái to hơn là to hơn cái gì chứ, to hơn những điện thoại khác hay sao, chưa chắc, hay là nó to hơn chính nó. Mà xưa giờ nó có to đâu. Cái thằng đẻ chuyện. Không lẽ cái ruột mày to hơn cải vỏ hay sao. À đúng rồi, cái này cũng được nè, hay là mình viết về chuyện cái xác iPhone 6 nó to hơn mấy cái xác iPhone đời trước, nhưng cái to hơn cái xác của chính nó là cái thứ ruột bên trong.

Và tự nhiên tôi nảy ra ý tưởng khai thác những gì nằm bên trong cái xác “to hơn” của iPhone  đó: xác nó “to hơn,” nhưng những tiện ích và ích lợi nó mang lại còn “to hơn” cả cái xác của nó. Đúng với câu khẩu hiệu “bigger than bigger” của nó.

Viết ào ào, viết không suy nghĩ, viết một lèo không trật tự những gì mình đang nghĩ xoay quanh thứ mình đang muốn viết: đó là cách để Bạn “lôi” tiềm thức ra ngoài. Khi đó, nó sẽ tuôn ra cho Bạn hàng mớ ý tưởng lộn xộn, và trong mớ ý tưởng lộn xộn đó, Bạn sẽ thấy được ý tưởng hay ho mình cần.

Bạn thử xem nhé.

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Muốn viết giống Hemingway? Hãy đọc Hemingway!



Không phải do biết nhiều quy tắc ngữ pháp và thuộc nhiều từ vựng mà Bạn có thể viết tiếng Anh chuẩn và hay đâu. Cũng thế, không phải do nắm nhiều nguyên tắc viết lách mà Bạn có thể viết được các nội dung tiếng Việt thực sự tốt đâu.

Hãy tìm một người viết giỏi tiếng Anh và hỏi họ xem, họ sẽ “rỉ tai” với Bạn bí quyết này: viết giỏi là do... đọc nhiều! Và hãy tìm một người viết giỏi tiếng Việt, họ cũng sẽ chia sẻ với Bạn giống y như thế.

Tin hay không là tùy Bạn. Nhưng những ai yêu thích và đọc đi đọc lại các tác phẩm của Hemingway, họ sẽ có cách viết giống Hemingway; tức là dù muốn dù không, họ sẽ động tự hình thành nên trong tiềm thức mình một phong cách viết tương tự như của Hemingway.

Thứ gì Bạn làm lặp đi lặp lại lâu ngày, thứ đó sẽ trở thành một phần của con người Bạn. Với việc viết lách cũng thế. Nếu Bạn mê đọc kiếm hiệp, Bạn sẽ có lối viết giống phong thái kiếm hiệp. Nếu Bạn mê đọc tiểu thuyết diễm tình, Bạn sẽ có lối viết giống phong thái diễm tình. Và nếu Bạn mê đọc Nam Cao, Bạn sẽ có lối viết theo kiểu thực dụng tả thực của Nam cao, bất kể Bạn có ý thức về điều đó hay không.

Thành ra, nếu một bản viết của ai đó khiến Bạn cảm thấy thích thú và muốn mình cũng viết được hay như thế, Bạn hãy đọc đi đọc lại bản viết đó rất nhiều lần. Đọc đến độ nó thấm vào người. Đọc đến độ Bạn có thể tự động bắt chước được phong cách viết của người viết đó.

Lần sau, khi bắt gặp một nội dung viết hay ho và hấp dẫn, Bạn hãy lưu lại, và mỗi ngày, hãy đọc đi đọc lại nhiều lần. Đọc và nghiền ngẫm từng câu chữ, từ cách bố trí sắp xếp ý tưởng, đến cách hành văn, v.v. Và Bạn sẽ tự động rút ra được các nguyên tắc viết cho mình.

Đó là cách học viết hay nhất, thực tế mà hiệu quả nhất. Chứ cả mớ lý thuyết hay nguyên tắc viết lách không giúp ích được gì nhiều cho Bạn đâu. Thành ra, muốn viết giống Hemingway, hãy đọc nhiều Hemingway, đọc chính những gì ông ta viết, chứ không phải đọc những gì người ta viết về ông ta liên quan đến chuyện viết lách.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Landing Page kiểu thủ công

Nếu Bạn muốn làm một landing page hoặc sales page kiểu thủ công thế này, thì cứ liên hệ với MCC nhé. 




Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Content Marketing: Mình "rung," thì người mới "rung."



Giả sử Bạn bán nước rửa chén. Và đương nhiên, gia đình nào cũng cần đến nước rửa chén, đúng không Bạn? Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ: họ có muốn mua nước rửa chén mang thương hiệu của Bạn hay không?


Như thế, trong mọi nội dung quảng bá nước rửa chén của mình, Bạn phải viết làm sao đó để người ta muốn mua nước rửa chén của Bạn, chứ không phải của đối thủ Bạn.

Người ta cần điều gì đó: ấy là một nhu cầu. Còn khi người ta muốn một điều gì đó: ấy là một cảm xúc. Bởi đó, để kích thích cái muốn nơi người ta, Bạn phải tạo được cảm xúc rung động nơi họ. Không làm được điều đó, nội dung viết của Bạn thất bại, và họ không bao giờ mua hàng của Bạn.


Làm sao để nội dung marketing của Bạn tạo được cảm xúc rung động?

Có nhiều cách để làm điều đó. Và lần lượt, trong các bài viết sau, tôi sẽ chia sẻ về các kỹ thuật này; nhưng ở đây, trước hết tôi muốn nhấn mạnh đến một nguyên tắc quan trọng này: muốn người đọc rung động, chính Bạn phải rung động trước.

Viết một nội dung về điều nào đó, mà Bạn không có chút cảm xúc nào, không cảm thấy rung động chút nào, thì đừng bao giờ Bạn mong người khác đọc vô sẽ thấy rung động.

Bạn phải rung động với điều mình đang viết. Bạn phải thấy rõ từng nhịp đập cảm xúc trong lòng mình khi đọc từng chữ, từng câu, từng đoạn nơi bản viết đó của mình. Bạn phải cảm thấy thực sự yêu mến và coi trọng bản viết của mình. Bằng không, tốt hơn cả, bản viết đó không nên tồn tại, vì nó sẽ không làm được trò trống gì.

Thí dụ, trước khi viết về thứ nước rửa chén của mình, Bạn phải dùng nó, dùng với cả tâm hồn đặt vào đó, để cảm nhận hương thơm của nó, để cảm nhận độ đậm đặc và cảm giác sạch sẽ nó mang lại khi chà từng cái chén, cái nồi. Bạn phải cảm nhận được rằng nó không chỉ giúp làm sạch chén bát, mà còn đem lại một cảm giác dễ chịu, khiến cho mỗi giờ rửa chén không còn là một gánh nặng mà trở nên một điều khiến Bạn yêu thích, v.v.

Đối với bất kỳ sản phẩm nào cũng thế, phải trải nghiệm bằng cả tâm hồn mình với sản phẩm Bạn đang bán, Bạn mới thực sự có cảm xúc và yêu mến sản phẩm mình. Từ đó, mọi nội dung Bạn viết về sản phẩm đó sẽ trở thành một chia sẻ trải nghiệm thú vị, khiến Bạn cảm thấy rung động khi đọc, và sẽ truyền được cái rung động đó sang cõi lòng mọi người đọc khác.

Hãy đọc lại bất kỳ bản viết nào Bạn đang có. Nếu thấy nó “vô hồn,” chẳng gợi lên được điều gì xúc động, thì Bạn nên bỏ nó đi, vì Bạn không khiến ai xúc động được đâu.

Hãy thổi cảm xúc vào từng bản viết bằng cách trải nghiệm với trọn tâm hồn mình về thứ mình đang viết. Và đó là cách để Bạn khơi gợi cảm xúc nơi người ta, khiến họ MUỐN mua thứ họ cần nơi Bạn.

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Các báo "lá cải" dạy Bạn điều gì?




Có thể Bạn ghét các tờ báo lá cải nhan nhản trên mạng, nhưng có một điều Bạn có thể học và nên học từ các tờ báo đó: cách giật tít.

Nội dung thông tin các tờ báo đó thật ra chẳng có gì đáng xem, thậm chí vô bổ, chẳng ích lợi gì, nhưng rất nhiều người vẫn vào xem bởi vì lắm lúc, họ không cưỡng lại được sức lôi cuốn của các tiêu đề.

Và điều dễ nhận thấy nhất, sở dĩ các tiêu đề đó lôi cuốn được người ta là bởi vì chúng làm rất tốt vai trò này: tạo sự tò mò.

Nếu tiêu đề của Bạn không khiến người đọc thấy tò mò muốn đọc tiếp, họ sẽ dễ dàng bỏ qua nội dung viết của Bạn bất kể nội dung đó có hay đến chừng nào đi nữa.

Thử lấy một thí dụ cụ thể để Bạn thấy:

Giả sử có một nội dung đưa tin về việc hôm qua Tổng thống P. đã lên truyền hình thú nhận với thế giới rằng chính ông đã ra lệnh bắn hạ chiếc máy bay M., và đây là các tiêu đề bản tin đó có thể dùng:

a) Tổng thống P. lên tiếng nhận trách nhiệm với thế giới.
b) Tổng thống P. thú nhận: “Chính tôi đã ra lệnh bắn chiếc máy bay M.”
c) Cả thế giới sững sờ về lời thú nhận động trời của Tổng thống P.

Trong ba tiêu đề gợi ý đó, tiêu đề nào khiến Bạn tò mò và muốn đọc tiếp nội dung bản tin? Chắc chắn là tiêu đề (c), đúng không Bạn? Vì tiêu đề (a) quá mơ hồ, không khiến người đọc quan tâm nhiều; còn tiêu đề (b) thì nói quá rõ, tiết lộ hết nội dung bản tin rồi, thành ra người đọc chỉ cần đọc tiêu đề là biết hết.

Riêng tiêu đề (c), người ta sẽ tò mò muốn biết ông Tổng thống kia thú nhận điều gì mà lại động trời, khiến cả thế giới phải sững sờ đến vậy. Và chắc chắn họ sẽ đọc tiếp nội dung để khám phá.

Bạn rút ra điều gì?

Khi đặt tiêu đề cho một nội dung viết: thứ nhất, Bạn đừng viết thứ gì đó quá mơ hồ, chung chung; thứ hai, Bạn cũng đừng nên viết rõ theo kiểu tóm tắt cả bài viết vào một câu tiêu đề. Tốt nhất, Bạn nên úp úp mở mở về thông tin Bạn sắp đưa, nhằm tạo sự tò mò hiếu kỳ của người đọc, khiến họ không thể không muốn đọc vào nội dung chính của Bạn.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Làm sao bán chạy món thịt nướng rơm?


Tưởng tượng rằng Bạn đang mở tiệm bán món thịt nướng. Và sản phẩm thịt nướng của Bạn có điểm độc đáo là được nướng bằng rơm. 

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu Bạn là người bán thịt nướng rơm ĐẦU TIÊN & DUY NHẤT trên cõi đất này.

Khi đó, Bạn làm marketing rất dễ, vì sản phẩm của Bạn có một không hai, không “đụng hàng,” và muốn ăn món đó, người ta bắt buộc phải lặn lội mà tìm đến Bạn mà “ngấu nghiến,” không còn cách nào khác.

Nhưng khổ nỗi, vấn đề không đơn giản như thế. Trên con đường dài một cây số nơi Bạn đặt tiệm thịt nướng rơm, có nguyên một dãy năm bảy quán cũng bán món thịt nướng rơm giống y như Bạn. Và trên khắp cả nước, có đến hàng trăm hàng ngàn tiệm bán thịt nướng rơm lớn nhỏ đủ loại. 

Hàng khối đối thủ bán thịt nướng rơm đang sẵn sàng hạ gục Bạn trên mặt trận marketing món thịt nướng. Đấu không lại, hoặc không biết cách đấu, Bạn chỉ có nước dẹp tiệm. 

Trước tình thế đó, đây là chuyện sống còn: Bạn phải làm sao để “trên cơ” đối thủ, khiến thiên hạ ai cũng muốn lặn lội tìm đến tiệm thịt nướng rơm của Bạn mà ăn?

Và thế là Bạn dồn tiền dồn công hì hục mở các chiến dịch marketing, gắng sức rao rằng chỉ có món thịt nướng rơm chỗ Bạn là ngon nhất, chất nhất, rẻ nhất, với thịt được ướp theo công thức gia truyền, hương vị vẫn như một suốt cả trăm năm nay. 

Nghe có vẻ “ngon ăn.” Nhưng khốn nỗi, coi tivi, đọc báo, Bạn lại thấy hàng trăm thằng bán thịt nướng rơm như Bạn nó cũng rao y như Bạn rao, cũng rầm rộ làm marketing y như Bạn làm, nó cũng có công thức gia truyền hàng trăm năm, nó cũng bán thịt nướng rẻ nhất mà chất nhất.

Lúc đó, Bạn thấy mình tốn công tốn của làm đủ chuyện tiếp thị, rêu rao các kiểu, mà chẳng có gì độc và lạ hơn các đối thủ của mình, mà chẳng có gì khiến thiên hạ thấy mình nổi bật để rồi phải lặn lội xúm xít tìm đến với Bạn để nếm món thịt nướng rơm.

Lúc đó, Bạn ước gì mình có được một bí quyết “thần thánh” khiến Bạn và món thịt nướng rơm của Bạn trở nên thứ gì đó có một không hai trên đời.


Không sao! Cứ để những đứa bán thịt nướng rơm tha hồ “nổ” rân trời về món thịt nướng của chúng. 
Phần Bạn, dù món thịt nướng của Bạn cũng chẳng hơn gì của đối thủ, nhưng Bạn hoàn toàn có cách khác biệt đủ để biến món thịt của Bạn thành thứ “cao lương mỹ vị” mà bất kỳ ai cũng khao khát nếm được.

Bằng cách nào?

Cụ thể, trong lúc đối thủ nói về THỊT, 
Bạn hãy làm một chiến dịch marketing nói về…RƠM!

Đúng! Để khác người, Bạn phải nói về RƠM: sẽ tập trung tạo ra những câu chuyện marketing thực sự hấp dẫn và có một không hai xoay quanh thứ rơm Bạn đang dùng để nướng thịt.

Bạn phải cho thiên hạ thấy rõ thứ rơm của Bạn nó đầy tính “thần thánh.” Rằng thứ rơm đó không phải là thứ bình thường trâu bò vẫn ăn. Thứ rơm đó được lấy về từ một ngôi làng huyền bí nằm sâu trong lãnh thổ Tây Tạng.

Thứ rơm đó, người Tây Tạng chuyên dùng để thiêu các trinh nữ mà cúng tế thần linh; thành ra, trước khi đem đốt, họ phải làm cho nó tinh sạch, không ố bẩn.


Bạn cứ việc xây dựng các câu chuyện thật “thần bí” và đầy sức lôi cuốn về thứ rơm tiệm ăn Bạn đang dùng để nướng thịt. Và chắc chắn bàng dân thiên hạ sẽ:

+ Để ý đến Bạn, có ấn tượng lạ về Bạn.
+ Tò mò về món thịt nướng ở tiệm Bạn.
+ Đồn nhau về thứ rơm “thần thánh” của Bạn.
+ Quyết phải đến tiệm Bạn để thưởng thức món thịt nướng lạ kỳ kia.

Đó chẳng phải là thứ thành công Bạn muốn khi làm marketing cho món thịt nướng của mình hay sao? Mà làm marketing cho món thịt nướng theo kiểu như thế, Bạn đâu cần phải nói gì về thịt, đúng không?


Thành ra, các bậc lão làng marketing thật chí phải khi đồng thanh nói rằng: thứ người ta muốn mua không phải là miếng thịt rán Bạn bán, mà là cái ÂM THANH NƯỚNG THỊT XÈO XÈO kia thôi.

Muốn tạo ra được thứ âm thanh xèo xèo nơi từng nội dung marketing của Bạn, hãy cứ thoải mái liên hệ với MCC để được tư vấn, hỗ trợ.

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Series cách làm Content Marketing (3)


Trong nội dung quảng cáo hay giới thiệu doanh nghiệp, nếu Bạn vẫn còn chuộng viết những câu vô thưởng vô phạt kiểu như "Chúng tôi là doanh nghiệp uy tín," hay "Chúng tôi cam kết làm hài lòng Bạn," v.v., thì xem như Bạn chưa hiểu rõ Content Marketing là gì. Thật đấy.

Làm Content Marketing không phải là nói khơi khơi rằng mình hay mình giỏi. Bạn phải "show" cho người ta thấy rõ tại sao Bạn giỏi, và quan trọng hơn, phải trả lời được câu hỏi: cái giỏi của Bạn có lợi gì cho người ta?

Người ta cần Bạn thể hiện rõ Bạn làm được gì cho họ, rồi từ từ, chính người ta sẽ tự khẳng định dùm Bạn rằng Bạn hay Bạn giỏi, rằng Bạn là doanh nghiệp uy tín, rằng Bạn đủ sức làm hài lòng người ta. 

Thành ra, khi làm nội dung (Content) và tiếp thị (Marketing) nội dung, Bạn phải để ý đến từng câu viết, từng thông điệp của mình, cốt làm sao đưa đến cho người đọc càng nhiều ích lợi cho họ càng tốt.



Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Series cách làm Content Marketing (2)


Content Marketing phải "đắc nhân tâm," không cần rầm rộ, khoe khoang, trống cờ kèn sáo. Chậm mà chắc, nhẹ mà sâu, mỗi nội dung viết lách phải động chạm được đến cuộc sống mang dấu ấn riêng tư của từng đối tượng người đọc, khiến họ suy nghĩ và nếm cảm cuộc sống nhiều hơn. 

Nghĩa là Content Marketing phải nhắm đến những gì dài hơi, kiểu mưa dầm thấm đất, từng bước tạo thiện cảm, đi vào tâm trí người ta, khắc hình ảnh mình trong tim người ta. Thành ra có thể quả quyết mà nói rằng Content Marketing là công cụ đắc lực giúp tạo dựng sức mạnh cho thương hiệu của từng sản phẩm, dịch vụ.

Mời Bạn xem tiếp trọn status về Content Marketing trên fanpage của MCC như dưới đây:




Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Series cách làm Content Marketing (1)


Đây là nội dung nằm trong series chia sẻ kinh nghiệm của MCC về các mẹo và kỹ thuật nhỏ giúp Bạn nắm được cách làm Content Marketing sao cho thật sự hiệu quả. Đó chính là những gì MCC đã và đang áp dụng trong tư vấn và triển khai các chiến dịch Content Marketing cho rất nhiều công ty, doanh nghiệp.

Các nội dung này được đăng lại từ các status trên Fanpage chính thức của MCC với một số diễn giải giúp cho hiểu rõ hơn. Mời Bạn xem dưới đây.



Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Inbound Marketing vs. Outbound Marketing: Cái nào hợp với Bạn?



Là dân kinh doanh làm ăn buôn bán, chắc Bạn hiểu rõ chuyện marketing nó quan trọng thế nào đến cuộc sinh tồn và phát triển của công ty, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ rồi. Không làm marketing, Bạn lấy khách hàng ở đâu? Thành ra, các chiến dịch marketing có thể nói là thứ quyết định sự thành bại của những thứ Bạn đang làm trong công cuộc kinh doanh và mở mang thị trường.

Đời xưa, làm marketing, người ta hay dùng một kiểu chiến lược truyền thống có tên gọi Outbound Marketing (tí nữa Bạn sẽ rõ thứ này là cái gì). Còn thời nay, Outbound Marketing đang dần nhường chỗ cho một thứ chiến lược marketing kiểu mới gọi là Inbound Marketing. Và đa phần doanh nghiệp ngày nay, khi làm marketing, họ đều đi theo hướng mới này.

Và bài viết này là để giúp Bạn phân biệt hiểu rõ hai đường lối marketing ấy với những ưu khuyết điểm. Hiểu được rõ ràng, Bạn mới biết cách xây dựng một chiến lược marketing phù hợp nhất với loại hình doanh nghiệp và làm ăn bán buôn của mình.

Outbound Marketing là cái chi chi?

Là đưa các thứ thông tin quảng cáo về sản phẩm dịch vụ của Bạn đến với người tiêu dùng qua các kênh truyền thanh, truyền hình, báo chí, ấn phẩm quảng cáo, hội chợ, v.v. Và kiểu marketing này đời xưa rất “ngon ăn.” Nhưng khổ nỗi là bây giờ các công cụ internet đã mở ra một thế giới online rộng lớn bát ngát bao la. Thành ra các công cụ truyền thống báo đài như kia chẳng còn hút khách là mấy. Với lại, quảng cáo kiểu đó thì phải lặp lại liên tục (chứ quảng cáo một hai ngày rồi thôi thì đâu có nhiều người biết đến!), mà để liên tục thì chi phí phải bỏ ra là rất to. Mấy anh doanh nghiệp cỡ nhỏ đào đâu ra tiền để theo đuổi hình thức marketing này.

Còn nếu Bạn là chủ doanh nghiệp to bự, nhiều vốn liếng tiền của, và nếu “chịu chơi” thì có thể xài chiến lược Outbound marketing này để “dội bom” vào tiềm thức người ta nhằm khắc hình ảnh thương hiệu, sản phẩm dịch vụ của mình vào đầu người ta. Nó cũng có lợi chứ chẳng phải không. Nhưng Bạn nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi làm.

Còn Inbound Marketing thì sao?

Nếu Outbound Marketing (trong đó Outbound là đi ra ngoài) là chạy tìm khách hàng, thì ngược lại, Inbound Marketing (trong đó Inbound là đi vô trong) là ngồi chờ khách hàng.

Ngồi chờ khách hàng ở đây không phải là ngồi yên đấy rồi khách hàng người ta tự tìm đến. Nhưng có nghĩa là mình ngồi mình nhắm đến một đối tượng khách hàng cốt lõi và cụ thể nào đó, rồi lên chiến lược cung cấp những nội dung thông tin thực sự có lợi và có ích cho họ, để riết rồi họ thấy “khoái” Bạn mà tự động tìm hiểu thêm về những sản phẩm dịch vụ Bạn bán, và đến khi có nhu cầu sử dụng, họ sẽ tự “dẫn mạng” đến cho Bạn.

Rất nhiều doanh nghiệp đang xài chiến lược này. Và chiến lược này nó hay ho vì nhiều lý do. Đầu tiên, Bạn sẽ nhắm được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình là những người thực sự đang có nhu cầu và tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ Bạn cung cấp, chứ không theo kiểu Outbound Marketing là nhồi thông tin đến mọi người tiêu dùng, bất kể họ có nhu cầu hay không.

Đội ơn ông Trời, nhờ internet phát triển, nên chiến lược marketing theo kiểu Inbound rất có đất dụng võ, đỡ tốn kém mà hiệu quả thì khỏi phải nói nếu Bạn biết triển khai đúng cách. Và dưới đây, MCC xin chia sẻ với Bạn mấy ý cốt lõi cần chú trọng nếu muốn tiến hành một chiến dịch Inbound Marketing.

+ Tạo NỘI DUNG: Không có nội dung, Bạn lấy cái gì mà truyền thông đến khách hàng tiềm năng? Mà nhiêu đó chưa đủ, nếu nội dung Bạn truyền thông không có gì hay ho, độc đáo, khác lạ, bổ ích, mang lại lợi lộc cho người ta, thì ích gì các thứ nội dung Bạn tạo ra? Ai thèm quan tâm đến Bạn?

Doanh nghiệp nào lại chẳng có nội dung để marketing? Có điều, nếu nội dung của Bạn ngon lành thú vị hơn, làm “phê” người đọc hơn, thì chuyện Bạn “ăn khách” hơn các đối thủ của mình là điều chắc chắn. Hơn thua nhau ở chỗ đó. Và thành ra, có thể ví nội dung như phần hồn của một chiến dịch Inbound Marketing.

Với Inbound Marketing, Bạn có thể dùng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, G+, v.v. để “bơm” lên đó các nội dung (bài viết, hình ảnh, video) thật đặc sắc và có ích, liên quan gián tiếp hay trực tiếp đến các sản phẩm, dịch vụ Bạn đang bán. Với hình thức này, Bạn không cần lộ liễu quảng cáo công ty mình, chỉ cần đem tới cho người đọc những thông tin bổ ích khiến họ quan tâm, rồi thì tự động họ sẽ muốn tìm hiểu Bạn là ai, đang làm cái thứ gì.

Các nội dung Bạn tạo ra đó phải “rin,” nghĩa là không cóp nhặt đâu đó kiểu cắt dán. Các nội dung đó còn phải làm sao đó để lọt được vào “mắt xanh” của các bộ máy tìm kiếm như Google chẳng hạn, nhằm tăng cơ hội tiếp cận với nhiều người dùng mạng. Bên cạnh đó, nội dung phải thật cô đọng cuốn hút sao đó để kích thích người ta tự động “Share” giúp cho mình, để làm cho nhiều người biết đến mình hơn.

+ Tạo độ “say” cho khách. Để làm tăng mức độ người đọc “quyến luyến” đến độ họ không nỡ xa rời Bạn, lâu lâu, Bạn nên làm điều gì đó khiến họ thấy thích thú, cảm kích. Chẳng hạn, Bạn tặng cho họ các eBook có giá trị và hay ho như một món quà, hoặc tạo ra các dịp khuyến mãi, hỗ trợ đặc biệt liên quan đến việc tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của Bạn.

Và để làm tốt điều này, Bạn nên đầu tư tạo ra các Landing Page (các trang đích nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chi tiết nhấn mạnh đến một dòng sản phẩm, dịch vụ nào đó, hoặc đưa ra các chế độ khuyến mãi, tặng thưởng, biếu không eBook, v.v., với mục đích thúc giục người ta phải hành động: mua hàng, nhận khuyến mãi/quà tặng, để lại thông tin email, v.v.)

Bên cạnh đó, để tăng độ “say” cho khách, Bạn cần có chiến dịch chăm sóc khách hàng tiềm năng và bạn hàng của mình với một công cụ hữu hiệu là Email Marketing: định kỳ, Bạn gửi email hỏi thăm họ, gửi đến họ những thông tin bổ ích, đề xuất khuyến mãi/quà tặng, v.v.

+ Tương tác với người ta. Khác với Outbound Marketing vốn chỉ mang tính cách một chiều, Inbound Marketing cho phép Bạn tương tác trực tiếp với khách hàng tiềm năng của mình. Nhờ đó, các cuộc truyền thông trở nên hai chiều, giúp Bạn với người ta trò chuyện với nhau theo kiểu cá nhân, giúp Bạn thể hiện được sự quan tâm của mình đối với người ta, và cũng để Bạn hiểu rõ hơn khách hàng tiềm năng của mình muốn gì để đáp ứng.

Chuyện lợi hại, hay dở đã rõ. Còn chuyện Bạn quyết định xây dựng chiến dịch marketing của mình theo kiểu nào thì còn tùy vô các nguồn lực công ty Bạn. Nếu đủ sức đủ lực để “chơi,” thì Bạn cũng không nên bỏ qua những ích lợi của Outbound Marketing trong việc giúp Bạn gia tăng độ phủ đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Còn thường thì theo kinh nghiệm của chúng tôi, bất kỳ doanh nghiệp lớn nhỏ kiểu nào cũng có thể tận dụng được nhiều ích lợi vô giá của Inbound Marketing. Và làm gì thì làm, Bạn không được phép bỏ qua Inbound Marketing, nhất là khi đang sống trong thời đại số rộ nở này.

Còn nếu cần được tư vấn cho rõ hơn về kiểu làm nào thì thích hợp với loại hình công ty doanh nghiệp Bạn, Bạn chỉ cần nhấc máy gọi MCC chúng tôi, vào hotline 093.329.4567 (Ms. Mai Chi). Chúng tôi rất khoái giúp Bạn về các khoản chuyên môn này.

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Đừng để chiến dịch Content Marketing đi sai hướng (Phần kết)


phần đầu bài viết này, MCC đã gợi ý ba câu hỏi đầu tiên có tính định hướng, giúp Bạn nắm tổng quát những gì cần thiết trong việc xây dựng và triển khai một chiến dịch Content Marketing.

Phần hai bài viết này sẽ giúp Bạn suy nghĩ về mấy câu hỏi tiếp theo.

4. Bạn đã đọc hết những nội dung mình tạo ra?

 

Sinh con thì phải biết mặt biết mũi, biết tuổi biết tên. Dù là tự xây dựng hoặc thuê ai đó xây dựng, thì nội dung Marketing của doanh nghiệp mình, Bạn phải nắm cho kỹ lưỡng mọi thông tin trong đó. Và kế hoạch bán hàng phải được triển khai theo hướng những gì các nội dung Marketing đã vạch ra. Không thể có chuyện nội dung Marketing một đàng, mà đi nói chuyện với khách hàng, Bạn lại nói theo một kiểu khác.

Cho nên, một khi đã có nội dung làm marketing và đã triển khai làm marketing cho nội dung đó, Bạn phải nắm vững và kỹ những gì có tính định hướng và thuyết phục đã trình bày ra trong nội dung của mình, và theo đó mà bán hàng, chào khách, v.v. để chiến lược marketing hay bán hàng của Bạn mang tính thống nhất cao và có định hướng rõ ràng.

5. Bạn có khác biệt?


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của một chiến dịch Content Marketing; một trong số đó là vì nội dung Bạn xây dựng không có gì khác biệt và nổi bật. Thời nay, doanh nghiệp nào, dù ý thức rõ hay không, cũng đều làm Content Marketing.

Và muốn trở nên nổi bật, Bạn phải có những nội dung thực sự khác biệt, mới lạ, thu hút được người đọc. Bằng không, với những nội dung nhàn nhạt, chung chung và thiếu tính định hướng, thiếu hướng đến từng đối tượng người đọc/khách hàng cụ thể, Bạn khó lòng tạo được dấu ấn và ngoi lên được trong công cuộc kinh doanh giữa muôn vàn đối thủ khác.

Chính nội dung (website, blog, facebook, G+, v.v) của doanh nghiệp Bạn chính là một trong những thứ quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp Bạn trở nên khác biệt và gây được ấn tượng khiến người đọc để ý đến thương hiệu và sản phẩm Bạn cung cấp. Và để làm được như thế, Bạn cần phải có chiến lược định hướng nội dung. Điều quan trọng này, Bạn có thể tự làm hoặc thuê ai đó chuyên nghiệp tư vấn và triển khai cho Bạn.

7. Bạn đã có một bộ công cụ để truyền đạt tầm nhìn chiến lược Marketing cho toàn bộ các nhân viên trong doanh nghiệp?

Mọi nhân viên đều có những mối quan hệ, đều có một tài khoản mạng xã hội, đều tương tác với nhiều người (và những người đó có thể là khách hàng tiềm năng của bạn). Nói cách khác, mỗi nhân viên đều có thể và phải đóng vai trò đại sứ hình ảnh của doanh nghiệp. Chính vì thế, Bạn phải làm sao đó để đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp mình từ trên xuống dưới phải thấm nhuần những gì có tính định hướng và chiến lược trong tất cả mọi chiến dịch Marketing; và trước khi giáo dục thị trường, Bạn cần giáo dục mọi nhân viên của mình để họ trở thành những người nắm vững và thực sự cam kết với chiến lược và đường hướng marketing Bạn đang nỗ lực xây dựng.

Dưới đây là một ví dụ về việc Coca Cola đã “giáo dục” mọi nhân viên của họ về chiến lược và đường hướng Marketing như thế nào:




Tóm lại, làm bất kỳ chiến dịch marketing nào, Bạn cũng phải cẩn thận, đừng để đi sai hướng. Nhất là phải chú trọng vào việc xây dựng những nội dung truyền thông thực sự mang lại giá trị và ích lợi cho từng nhóm đối tượng khách hàng. Nội dung marketing của Bạn phải độc đáo, khác biệt, tạo được ấn tượng tốt và thu hút người đọc. Đó là một trong những con đường quan trọng nhất giúp Bạn xây dựng và quảng bá được thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ của mình.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Cẩn thận: Đừng để chiến dịch Content Marketing đi sai hướng (phần 1)


Đi sai đường, lạc hướng, chiến dịch Content Marketing của bạn xem như không chỉ làm lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, mà nguy hiểm hơn, còn gây tổn hại rất nhiều đến hình ảnh thương hiệu, đến dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp bạn.

Thành ra, trước khi đưa vào triển khai trong thực tế, nhất thiết bạn phải nghiêm túc lên kế hoạch, mổ xẻ từng việc phải làm, dựa theo một vài gợi ý dưới đây: 

1. Làm Content Marketing, Bạn đã hiểu rõ nó chưa?


Như thấy bây giờ, tuy khá nhiều doanh nghiệp đang tích cực làm Content Marketing, nhưng có vẻ như họ đang chạy theo phong trào, chứ chưa thực sự nắm được cái cốt lõi là gì nơi Content Marketing. Cụ thể hơn, họ không rõ cái lợi hại của Content Marketing là gì và họ có thể tận dụng nó cách triệt để như thế nào để đạt được mục tiêu mình đề ra.

Để làm Content Marketing cho tốt, bạn phải thực sự hiểu nó là gì, biết nó làm được cái gì cho bạn. Không phải cứ có nội dung (Content) là đủ, mà không cần biết nội dung ấy phải được xây dựng theo hướng nào cho phù hợp nhắm đến từng đối tượng khách hàng khác nhau. Cũng không phải cứ cắm đầu quảng bá vô tội vạ là được, mà phải biết chọn kênh Marketing, và đưa từng nội dung phù hợp riêng cho từng kênh quảng bá.

Bằng không, thấy người ta làm Content Marketing, mình cũng làm, nhưng rồi người ta đi tới đích trước mình, còn mình thì vẫn loay hoay không biết đường nào mà về đích.

2. Chiến dịch Marketing của Bạn có ăn khớp với hướng đi và tầm nhìn của doanh nghiệp bạn hay không?

 

Làm kinh doanh, thứ bạn hướng đến luôn là hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận. Và chiến dịch marketing kiểu gì rồi cũng phải đi đôi, bổ trợ để hướng đến việc đạt được mục đích đó. Muốn chiến dịch Marketing hỗ trợ công việc kinh doanh thật hiệu quả thì bắt buộc nó phải “tay trong tay” với chiến lược và đường hướng kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp. Nếu chiến lược Content Marketing và tầm nhìn tổng thể doanh nghiệp xung khắc nhau, doanh nghiệp bạn khó lòng tiến được theo mục đích đề ra.

Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải biết cách chọn lựa và xây dựng nội dung marketing của mình sao cho phù hợp và ăn khớp tối đa với sứ mạng và đường hướng phát triển chung của doanh nghiệp. Vì không phải nội dung nào cũng phù hợp với sứ mạng doanh nghiệp. Và cũng không phải kênh tiếp thị nào cũng phát huy hiệu quả trong việc đẩy mạnh việc triển khai thực tế hóa tầm nhìn của doanh nghiệp bạn.

Thành ra, bạn phải cố gắng tìm hiểu hoặc tìm đến những người có kinh nghiệm để được tư vấn kỹ lưỡng về hướng xây dựng Content Marketing sao cho thực sự phù hợp nhằm đem lại hiệu quả tối đa cho công cuộc kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp mình.

3. Nội dung Marketing của bạn có giúp khách hàng/người đọc thấy thỏa mãn, giải quyết được những ưu tư của họ?


Nội dung marketing của bạn phải được xây dựng dựa trên cơ sở thấu hiểu và tìm cách giải quyết những mong muốn, nhu cầu, ưu tư, vấn đề của TỪNG đối tượng người đọc (là các khách hàng tiềm năng). Nhiều doanh nghiệp chỉ làm ra một nội dung quảng bá nào đó mang tính cách chung chung, rồi rải đinh hoặc quăng bom đến tất cả đối tượng người đọc, không cần phân biệt rõ ai là ai. Đó là điều thực sự gây lãng phí, không đưa chiến dịch marketing của bạn đi đến chỗ giúp bạn kiếm thêm được khách hàng và hái thêm được lợi nhuận.

Nội dung của bạn phải "nói chuyện" được với từng người cụ thể, phải đi vào câu chuyện của họ để gợi lên những cuộc đối thoại, tương tác trực tiếp với họ. Chứ nói kiểu chung chung, không đả động, liên hệ gì đến từng cá nhân cụ thể, thì nội dung của bạn có văn vẻ hay ho đến đâu, vẫn không đủ sức thu hút họ, chưa nói chi đến việc biến họ thành khách hàng của mình.

Câu trích dẫn trong hình ở đầu bài viết này là thứ đáng để bạn suy ngẫm, đại ý: marketing kiểu truyền thống thì xây dựng nội dung nói về người ta, còn content marketing thì xây dựng nội dung nói với người ta.


Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Inbound Marketing & Content Marketing



Inbound Marketing & Content Marketing: hai mặt của một đồng xu!

Về thuật ngữ Inbound Marketing, để cho dễ hiểu, bạn có thể hình dung thế này: bạn có website, có blog, có facebook, có kênh trên YouTube, v.v. Và muốn kéo nhiều người truy cập vào các kênh đó, bạn phải thực hiện các hoạt động quảng bá, tiếp thị này kia. Đó là Inbound Marketing.

Như thế, Inbound Marketing đóng vai trò mở đường dẫn lối để đưa người ta vào ngôi nhà của bạn. Đó là lý do các doanh nghiệp ra sức làm SEO, làm SEM, mua quảng cáo trên Google, Facebook, trao đổi banner, tìm cách tăng mức độ hiển thị trên các mạng xã hội, đăng bài trên các forum, v.v.

Đó là hoạt động rất CẦN, nhưng phải nói ngay là CHƯA ĐỦ. Tại sao?

Bạn làm mọi cách để dẫn người ta vào nhà mình. Nhưng giả sử khi vô tới nhà rồi, họ thấy chẳng có gì thú vị, hay ho; họ thấy ngôi nhà của bạn chẳng để lại dấu ấn gì cho họ, không có gì níu kéo đôi chân họ. Thì khi đó, họ sẽ làm gì? Có phải họ sẽ nhanh chóng ra đi mà tìm đến chốn nào khác đủ sức giữ họ ở lại trong thời gian lâu, đủ sức kéo họ lui tới nhiều lần về sau?

Đó là điều chắc chắn.

Như thế, Inbound Marketing chỉ là bước tiếp theo, đến sau một bước quan trọng hơn rất nhiều: Content Marketing.

Có thể hiểu Content Marketing như là bước bạn trang trí cho ngôi nhà của mình, sao cho thật đẹp đẽ, độc đáo, khác lạ, để khi khách khứa vào, họ sẽ muốn ở lại, hoặc sẽ muốn quay lại.

Không có Content Marketing để giữ chân khách thăm, thì dù có làm Inbound Marketing xuất sắc tới đâu, rốt cuộc, bạn cũng chỉ tổ tốn công sức, thời gian, tiền bạc, mà chẳng đạt được ích lợi gì.

Thành ra, Inbound Marketing phải được tiến hành song song và kết hợp chặt chẽ với Content Marketing mới phát huy hiệu quả.

Bạn là một doanh nghiệp mới, hay một doanh nghiệp đang cho triển khai một sản phẩm hay dịch vụ mới, thì rõ ràng Inbound Marketing (SEO, mạng xã hội, email,…) sẽ đóng vai trò chiến lược cho việc quảng bá sản phẩm đến rộng rãi khách hàng. Inbound Marketing là cú hích đầu tiên tạo ra đà bật cho những gì tiếp theo.

Sau khi Inbound Marketing đã kéo được một lượng khách hàng về website, fanpage của bạn. Bạn sẽ làm gì tiếp theo?

+ Biến khách viếng thành khách hàng: Ngoài sản phẩm tốt, cách chào hàng của bạn phải hấp dẫn và thuyết phục, khiến khách hàng tiềm năng không thể cưỡng lại. Khi đó, Content Marketing phải lên tiếng cho ngon mới được.

+ Khi đã bán được những đợt hàng đầu tiên, hẳn bạn sẽ muốn tiếp tục giữ chân khách hàng này cho những giao dịch trong tương lai. Muốn giữ chân họ, khiến họ thường xuyên ghé thăm website, blog, fanpage của bạn, bạn cần cho họ những thứ hay ho, lý thú để đọc. Khi đó, Content Marketing phát huy vai trò của nó.

+ Khi đã có một lượng khách hàng trung thành kha khá, hẳn bạn sẽ muốn họ giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của bạn với bạn bè của họ. Bạn phải tạo được nội dung có tính lan truyền (viral), kích thích họ chia sẻ đến nhiều người khác. Khi đó, Content Marketing phát huy vai trò của nó.

+ Bạn muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu vững như kiềng ba chân trong tâm trí khách hàng? Khi đó, Content Marketing phát huy vai trò của nó.

+ Kinh doanh, bạn khó tránh khỏi sai lầm. Đôi khi chỉ một sai lầm nhỏ có thể khiến danh tiếng (và doanh số) của bạn bị tổn hại trầm trọng. Vậy làm sao để ngăn ngừa, giải tỏa hiểu lầm và những định kiến của khách hàng? Khi đó, Content Marketing phát huy vai trò của nó.


Phải hiểu rõ như thế, bạn mới có thể tận dụng được và biết cách phối hợp nhịp nhàng giữa Inbound Marketing và Content Marketing trong bất kỳ chiến dịch marketing tổng thể nào của mình.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

CONTENT & MARKETING – Thiếu một trong hai: con nai cụt giò!



Khái niệm Content Marketing đang trở nên khá thịnh và khá trọng. Ai cũng dễ dàng hiểu được thuật ngữ đó là Tiếp thị Nội dung. Sâu hơn một chút, tức là có NỘI DUNG và có việc TIẾP THỊ nội dung đó.

Nhưng trong thực tế, chẳng phải ai cũng biết phải làm gì với hai thứ đó. Làm việc với nhiều khách hàng, chúng tôi thấy ra HAI kiểu tư duy điển hình của không ít chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ:

a) nhấn mạnh đến CONTENT mà coi nhẹ MARKETING, hoặc
b) nhấn mạnh đến MARKETING mà coi nhẹ CONTENT.

Ít chủ doanh nghiệp thực sự nhìn được bức tranh toàn cảnh.

Ít chủ doanh nghiệp biết rằng hai thứ đó đều quan trọng và quan trọng đều như nhau.

Ít chủ doanh nghiệp hiểu rằng phải có nội dung tốt và phải có cách tốt để tiếp thị nội dung.

Ít chủ doanh nghiệp thấy rằng Content MarketingMarketing Content nó quấn quyện vô nhau như hình kéo bóng, như bóng theo hình, và hiệu quả lớn lao cho doanh nghiệp phụ thuộc vô việc tiến hành khai thác triệt để sức mạnh song đôi của hai thứ đó.

Cũng có nhiều chủ doanh nghiệp thấy ra được điều đó, nhưng vì họ sợ tốn tiền khi phải đầu tư vào cả hai. Họ chỉ dám đặt làm nội dung “nhẹ nhẹ,” tiếp thị “nhẹ nhẹ.”

Có người nghĩ một nội dung tốt sẽ tạo ra được hiệu ứng “hữu xạ tự nhiên hương” mà không cần phải quảng bá nhiều.

Có người lại nghĩ chỉ cần có một nội dung “coi được” rồi tích cực đẩy tùm lum lên các mạng xã hội, diễn đàn, website các thứ, là khách sẽ ùn ùn kéo đến.

Đó là những cách nghĩ phiến diện và làm thui chột đi ý nghĩa đích thực về mặt thực tiễn của khái niệm Content Marketing, làm hỏng đi tính hiệu quả của chiến dịch truyền thông hay quảng bá các nội dung liên quan đến sản phẩm/dịch vụ nhằm thu hút các đối tượng khách hàng đa dạng trên nhiều kênh khác nhau.

Thành ra, khi tư vấn cho khách hàng, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng không đơn thuần chỉ làm NỘI DUNG quảng bá, MCC chúng tôi còn thực hiện đồng thời việc QUẢNG BÁ nội dung. Tức là TẠO RA các thể loại nội dung phù hợp với từng đối tượng khách hàng tiềm năng, và VẬN CHUYỂN các nội dung ấy đến với từng đối tượng khách hàng tương ứng trên các kênh truyền thông khác nhau.

Nếu ví việc câu khách như câu cá, thì quy trình “câu cá” của chúng tôi gồm có bốn bước: 

a) xác định loại cá muốn câu (đối tượng khách hàng), 
b) tìm hiểu loại cá đó nó sống ở đâu, có thói quen, tập tính nào (tâm lý/nhu cầu/vấn đề/mong muốn của đối tượng khách hàng mình nhắm), rồi 
c) chọn mồi, lên kế hoạch làm mồi (soạn nội dung), và cuối cùng 
d) chọn chỗ thích hợp để thả mồi (truyền thông, marketing).

Có thể Bạn chọn chúng tôi để thực hiện chiến dịch Content Marketing cho Bạn. Cũng có thể Bạn chọn một đơn vị khác hoặc tự tiến hành triển khai. Nhưng dù có chọn ai và làm gì, điều quan trọng Bạn cần lưu ý là thiếu một trong hai (hoặc Content, hoặc Marketing) thì Bạn đừng mong chiến dịch câu khách bán hàng của mình sẽ làm nên trò trống gì.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

MUỐN CÓ NHIỀU KHÁCH HÀNG, TÀI NĂNG THÔI CHƯA ĐỦ




Gần đây một khách hàng nói với tôi điều này: “Tôi tự tin đánh giá mình thuộc vào top 10 người giỏi nhất Việt Nam trong lĩnh vực của mình, vì vậy, tôi chẳng việc gì phải đi quảng cáo cho chính mình cả”. Thật ra, tôi biết khách hàng này thực sự rất giỏi, nhưng vấn đề là anh ta vẫn có rất ít khách hàng (đó cũng là lý do anh ta tìm đến lời khuyên của tôi). Khi được hỏi về những thành tựu từng đạt được, anh ta liệt kê ra (rất nhiều thành tựu) với vẻ miễn cưỡng. “Tôi thấy mình có vẻ khoe khoang, hợm hĩnh làm sao ấy”, anh nói, “làm vậy có khiến tôi thiếu chuyên nghiệp hơn không?”

Nếu bạn thường nghĩ như vậy, hãy tự hỏi mình: ai là người “giỏi nhất” trong lĩnh vực của bạn? Ai được xem như là một chuyên gia hàng đầu một cách không phải bàn cãi? Ai là người được tín nhiệm tuyệt đối trong lĩnh vực chuyên môn của bạn? Bạn đã từng đọc những bài viết do chính họ viết chưa?

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, sở dĩ một người được biết đến rộng rãi như một “chuyên gia hàng đầu” trong lĩnh vực của họ là vì họ chủ động quảng bá cho chính họ. Họ làm điều đó bằng nhiều cách, họ chia sẻ những câu chuyện cuộc sống của họ với nhiều người hơn (chứ không chỉ là bạn bè và gia đình họ). Bạn biết đến họ vì họ chủ động truyền tải những điều đó đến bạn. Nào, giờ thì, bạn nghĩ gì về họ? Họ có “thiếu chuyên nghiệp” không?
Dĩ nhiên, “khoe” không có nghĩa là bạn phải bô bô với mọi người kiểu “Tada! Xem tôi tuyệt chưa này!”. “Khoe” một cách chuyên nghiệp tức là khoe mà… không để người khác biết mình đang khoe, không tự khiến mình trở nên hợm hĩnh. Và dưới đây là một vài cách bạn có thể sử dụng dễ dàng.

Các bài viết chuyên môn: Tự tay viết các bài viết chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực chuyên môn của bạn là một cách dễ dàng để gây dựng và đánh bóng tên tuổi mà vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp. Bằng cách này, bạn “gieo giá trị, gặt tên tuổi”. Các bài viết chuyên môn có thể được gửi đăng lên báo giấy, các website hay blog cá nhân.
Nói chuyện trước công chúng: Xuất hiện và nói chuyện trước đám đông như một diễn giả chuyên về một chủ đề nhất định sẽ giúp bạn marketing bản thân với 3 đối tượng: các khán giả trực tiếp tham gia buổi nói chuyện, những người được mời nhưng không thể đến, và những người xem lại tường thuật buổi nói chuyện sau đó.
Phỏng vấn truyền thông: Việc được phỏng vấn trên các tạp chí, báo, radio hay tivi sẽ lan tỏa danh tiếng của bạn cực kỳ nhanh chóng. “Phỏng vấn” nghe thì to tát thế thôi chứ thật ra cũng không hề khó khăn như bạn tưởng. Hãy bắt đầu từ những công cụ truyền thông nhỏ trước: những tờ báo, website, hay chương trình radio không quá nổi tiếng. Sau khi đã thực hiện được những bước đầu, bạn bắt đầu nâng dần độ lớn của các kênh truyền thông lên.
Kể những câu chuyện: Một trong những bí quyết để có các bài viết, bài nói chuyện hay phỏng vấn được biết đến và ghi nhớ rộng rãi chính là kể những câu chuyện về khách hàng của bạn. Bằng cách kể về những khó khăn mà khách hàng gặp phải, cách họ vượt qua chúng (nhờ sự tư vấn/dịch vụ của bạn), bạn đã âm thầm “cài” vào câu chuyện những chi tiết chứng tỏ tài năng của bạn.
Lời chứng thực: Bất kỳ khi nào bạn hoàn thành công việc cho khách hàng của mình, hãy nhờ họ viết lại vài dòng cảm nhận về sản phẩm/dịch vụ/lời tư vấn của bạn, rằng bạn đã giúp đỡ họ thành công mỹ mãn, rằng họ thực sự hài lòng và hạnh phúc… Những lời chứng thực như vậy có thể được đặt rải rác ở website, brochure hay những nội dung khác liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. Bằng cách đó, chính khách hàng sẽ là đại sứ quảng cáo cho chính bạn!
Tạo dựng bộ hồ sơ công việc: Hồ sơ công việc (portfolio) không chỉ dành cho dân thiết kế, đồ họa. Bạn có thể tập hợp những bức ảnh, những khách hàng, những dự án, lời chứng thực… hay bất kỳ thứ gì có thể làm bằng chứng về những “phi vụ” bạn đã thực hiện. Sẽ không khách hàng nào lại muốn từ chối một người có bộ hồ sơ công việc đồ sộ và chất lượng. Vậy thì, hãy bắt đầu xây dựng portfolio của bạn ngay hôm nay!
Tạo sản phẩm: “Đóng gói” những kiến thức, kỹ năng của bạn vào những sản phẩm như sách, ebook, khóa training... và bán cho khách hàng. Phương pháp này như một thông điệp gửi đến khách hàng, rằng bạn là một người cực kỳ am tường trong lĩnh vực của mình (đến mức có thể tổng hợp thành một tài liệu công phu).
Bằng những phương pháp rất dễ dàng mà lại hiệu quả trên, bạn đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm khách hàng, biến mình thành một thỏi nam châm chủ động hút khách hàng vô cùng mạnh mẽ!

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

MARKETING và MARKETING NỘI DUNG: SONG KIẾM HỢP BÍCH



MCC rất thích một câu nói vui này: Marketing nội dung không phải là “độc cô cầu bại”, để nội dung phát huy tối đa mười phần công lực, nó phải “song kiếm hợp bích” với chiến lược Marketing tổng thể. Nói cách khác, bạn sẽ không thể tạo ra nội dung từ… trong không khí, mà bạn phải dựa trên những đường hướng, chiến lược có sẵn từ chiến lược Marketing tổng thể. Dưới đây là một số trường hợp điển hình Marketing nội dung phối hợp cùng các chiến lược Marketing khác nhằm tạo ra hiệu quả thần kỳ cho doanh nghiệp.

SEO: Tối ưu hóa kết quả tìm kiếm là công cụ mạnh mẽ nhằm kéo khách hàng vào website của bạn. Nhưng rất có thể vào một ngày đẹp trời, bạn nhận ra website của bạn đã rớt hạng vì sự thay đổi thuật toán của Google. Chính vì thế, nếu nội dung bạn không hấp dẫn và cuốn hút, nhiều khả năng khách hàng sẽ chỉ vào website bạn, xem qua và bỏ đi. Công sức đầu tư làm SEO chợt bay biến. Thu hút khách hàng đã khó, giữ chân họ còn khó hơn.
Mạng xã hội: Có một lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội giúp bạn quảng bá hình ảnh và tương tác với khách hàng. Nhưng những chức năng đó mới chỉ là 50% sức mạnh của mạng xã hội. Để phát huy 50% còn lại, bạn nên phát triển thêm website, blog… nhằm kéo lượng khách hàng từ mạng xã hội qua. Dù sao thì, mạng xã hội chỉ là “đất đi thuê” (chủ đất là Facebook, Google+, Twitter…), còn website và blog mới thật sự là CỦA BẠN!

PR: PR và Marketing nội dung đều dựa trên nguyên tắc: dựa trên tâm lý khách hàng để giao tiếp với họ sao cho vừa làm họ hài lòng, vừa hướng họ suy nghĩ theo cách bạn muốn. Chính vì thế, hoạt động PR và Marketing nội dung có thể tay trong tay cùng nhau phối hợp nhịp nhàng để cho ra những nội dung đồng nhất và tiết kiệm chi phí.
Xây dựng thương hiệu: Cốt lõi của việc xây dựng và phát triển thương hiệu là những câu chuyện bạn kể cho khách hàng nghe, nhằm tạo ra mối liên hệ về cảm xúc giữa khách hàng và doanh nghiệp. Và các nhà Marketing nội dung chính là những người kể chuyện tài ba nhất.
Quảng cáo trả phí: Dù bạn quảng cáo bằng Google Ads, quảng cáo trên tivi, youtube hay báo chí, bạn cũng sẽ phải cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm đối thủ sừng sỏ. Giữa một môi trường như vậy, bạn phải nổi trội, phải thu hút và hấp dẫn hơn các đối thủ. Hiện nay các công ty chủ yếu “nướng” tiền vào thiết kế quảng cáo đẹp và “xí chỗ” các vị trí thiết yếu. Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí, hãy tự làm mình nổi bật bằng những nội dung khiến khách hàng phải thốt lên kinh ngạc, phải tự tay chia sẻ, lan truyền cho người khác. Bằng cách đó, bạn vừa tiết kiệm chi phí, chính khách hàng cũng sẽ trở thành đại sứ quảng bá cho doanh nghiệp/sản phẩm của bạn!



Và còn nhiều lĩnh vực mà Marketing nội dung có thể kết hợp nữa. Giờ thì bạn đã thấy sự lợi hại và đa năng của Marketing nội dung chưa!