Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Xây Thương hiệu bằng các Câu chuyện

  
Tất cả chúng ta đều thích nghe những câu chuyện. Thuở bé ta nghe những câu chuyện cổ tích của mẹ, của bà. Lớn lên chúng ta mê mẩn với những cuốn tiểu thuyết đầy tình tiết, hay vui thú với những câu chuyện vỉa hè, thậm chí nhiều người trong chúng ta còn thích cả những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Những câu chuyện có tác dụng thần kỳ, chúng kết nối chúng ta đến những trải nghiệm, cảm xúc, giúp chúng ta gạt bỏ mọi sự phòng thủ, bảo thủ để tiếp nhận thông điệp.

Nếu bạn có thể sử dụng nghệ thuật kể chuyện trong việc xây dựng thương hiệu thì đó có thể là thứ vũ khí uy lực nhất giúp khắc sâu hình ảnh của bạn vào tâm trí khách hàng! Bởi lúc đó, bạn đã tạo ra một sợi dây liên kết cảm xúc giữa khách hàng với doanh nghiệp. Dưới đây là 8 lời khuyên bổ ích cho việc xây dựng thương hiệu bằng những câu chuyện.

1. Bạn muốn câu chuyện truyền tải điều gì? - Mục đích của câu chuyện

Bạn không cần phải vắt óc tưởng tượng ra mục đích của những câu chuyện mà mình sắp kể. Bởi không có gì xa lạ, những mục đích đó nằm ngay trong sứ mạng của doanh nghiệp, lịch sử doanh nghiệp và trong những mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến.

“Sứ mạng” là một từ mang đầy cảm xúc, và chắc chắn nội dung của nó cũng sẽ đầy xúc cảm như vậy. Và đó chính là lý do vì sao bạn nên truyền tải sứ mạng của doanh nghiệp vào câu chuyện. Doanh nghiệp bạn tin tưởng vào những giá trị nào? Điều gì khiến doanh nghiệp khác biệt so với các đối thủ? Mục đích cao cả của bạn là gì?… Đó là những câu hỏi mà bạn phải dành thời gian suy nghĩ trả lời.

2. Khách hàng của bạn là ai? - Thu hẹp đối tượng khách hàng

Bạn phải nắm rõ đối tượng khách hàng của doanh nghiệp mình. Ai là đối tượng mua sản phẩm của bạn nhiều nhất? Nhóm khách hàng nào tiềm năng nhất? Ai cũng sử dụng bàn là nhưng dân công sở thì sử dụng nhiều hơn là công nhân. Ai cũng dùng thuốc tẩy quần áo nhưng những bà mẹ có con nhỏ nghịch ngợm nên là ưu tiên hàng đầu…

Hãy thu hẹp phạm vi độc giả lại theo những yếu tố: tuổi tác, giới tính, thu nhập, nơi ở… Sau đó tìm hiểu họ đang có chung những suy nghĩ nào? Họ nhận thức như thế nào? Họ đang gặp những vấn đề gì. Marketing là “gãi đúng chỗ ngứa của khách hàng”, và cũng vì thế, bạn cần tìm được những “chỗ ngứa” trong suy nghĩ của họ.

3. Bạn có nhiêu tiền? - Nghiên cứu ngân sách cho phép


Nhiều khả năng bạn sẽ không có nhiều tỷ đồng (thậm chí nhiều chục tỷ) để chạy các đoạn quảng cáo đình đám. Nhưng dù sao đi nữa, làm marketing không nên quá tiết kiệm. Ít nhất bạn cần chi tiền cho một đội ngũ xây dựng nội dung quảng cáo nhằm nhào nặn thông điệp, thiết kế hình ảnh và các vấn đề liên quan khác.

Và bạn còn cần tiền vào một vấn đề quan trọng khác nữa, đó là…

4. Bạn sẽ tiếp cận khách hàng thông qua những kênh nào?

Ngày nay bạn đã có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng qua rất nhiều kênh khác nhau nhờ vào sức mạnh của mạng xã hội. Hãy nghiên cứu và xác định chính xác kênh truyền thông thích hợp nhất cho sản phẩm và đối tượng khách hàng của mình. Nếu bạn bán quần áo, phụ kiện, không gì thích hợp hơn Facebook. Nếu bạn bán các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh giải trí thì youtube xứng đáng là nơi chọn mặt gửi vàng. Nếu bạn nhắm đến đối tượng khách hàng cần thông tin nghiêm túc và hệ thống hóa thì một fanpage Facebook và một Blog nên được cân nhắc…

Chọn đúng kênh để giao tiếp với khách hàng là một chiến lược quan trọng mà bạn cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nếu không, mọi nỗ lực marketing sẽ không đến được cái đích nó cần đến - khách hàng.

5. Đối thủ của bạn đang làm gì?

Để câu chuyện của bạn độc đáo, là duy nhất, bạn phải nghiên cứu chiến lược xây dựng thương hiệu từ những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình. Hãy nghe, đọc và xem những câu chuyện mà đối thủ của bạn đang kể cho khách hàng. Có như vậy bạn mới biết mình đang làm tốt điều gì và còn điều gì mình cần nỗ lực cải thiện, đồng thời cố gắng kể một câu chuyện hấp dẫn hơn và độc đáo hơn đối thủ của mình.

6. Định nghĩa thế nào là “thành công”?


Như thế nào là một chiến dịch xây dựng thương hiệu “thành công”? Liệu “thành công” có phải chỉ là một tính từ lờ mờ tối nghĩa trong đầu bạn? Bằng cách định nghĩa rõ ràng hai chữ “thành công”, bạn xác định cho mình một cái đích để vươn tới, chứ không chỉ là lao lên như con thiêu thân.

“Thành công” có thể xác định bằng mức độ lợi nhuận của chiến dịch. Nhưng trong phần lớn trường hợp, thành công của một chiến dịch xây dựng thương hiệu lại không phản ánh ở lợi nhuận. Bạn có thể định nghĩa một chiến dịch thành công dựa trên số chia sẻ mạng xã hội, số người tham gia đăng ký, số lượt download sản phẩm thử…

7. Hãy cởi mở chấp nhận thất bại


Người tính không bằng trời tính; thành ra nhiều khi có những ý tưởng nghe qua rất tuyệt vời nhưng vẫn thất bại. Và khi đó, điều quan trọng nhất là bạn phải biết đón nhận chúng, suy xét, nghiên cứu xem điều gì chưa ổn, nghiên cứu, nghiền ngẫm vấn đề dưới nhiều góc cạnh để tìm ra cái nhìn khách quan nhất. 

Và xem nào, bạn đã sai ở đâu: đối tượng khách hàng đã phù hợp chưa? Có cần thay đổi kênh tiếp cận không? Nội dung câu chuyện đã đủ hấp dẫn và đánh vào cảm xúc chưa?

8. Xây dựng thương hiệu không ngưng nghỉ

Đừng bao giờ hài lòng với những gì mình đạt được. Xây dựng thương hiệu là một quá trình không có điểm dừng (trừ khi bạn… phá sản!). Kể từ bây giờ, mọi thông điệp bạn truyền tải cho khách hàng đều phải bám vào chiến lược đã được vạch sẵn.

Đừng dừng lại bạn nhé. Nếu bạn muốn có những khách hàng trung thành, điều đầu tiên là chính bạn phải trung thành với câu chuyện bạn kể. Hãy kiên trì và kiên định. Rồi quả ngọt sẽ đến với bạn. Sớm thôi…


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

BẠN CÓ THỂ NHẬN XÉT BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét